Nghiện facebook sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tinh thần và học tập, vì thế khi thấy bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng facebook thì chứng tỏ đang có vấn đề.
Facebook hiện đang là mạng xã hội được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, nếu không biết cân đối thời gian hợp lý và sử dụng không có mục đích rõ rằng sẽ rất gây nghiện, phải nhập viện điều trị.
Thực tế, tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đã tiếp nhận một nam sinh 14 tuổi, nhập viện với những biểu hiện co giật phân ly.
Theo chia sẻ của gia đình bệnh nhân, trước khi nhập viện nam sinh này có thói quen sử dụng mạng xã hội facebook, với khoảng thời gian khoảng 10 tiếng/ngày. Theo đó, ngoài thời gian đi học, nam sinh này thường xuyên dùng facebook để nói chuyện với bạn bè.
Người thân của bệnh nhân còn thông tin, việc dùng nhiều facebook khiến sinh hoạt cá nhân của nam sinh bị đảo lộn, lực học giảm sút. Thấy vậy, gia đình đã tịch thu điện thoại, cấm dùng facebook. Tuy nhiên, ngay sau đó nam sinh bỗng xuất hiện các cơn co giật nên được đưa tới khám và điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần.
Khi cấm dùng facebook thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường thì cần nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ.
Thực tế, đây không phải là trường hợp đầu tiên phải nhập viện tâm thần, có liên quan đến việc sử dụng nhiều facebook. PGS. TS Tô Thanh Phương – PGĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, có thời điểm bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân đến điều trị do mắc bệnh có liên quan đến việc nghiện facebook. Đa số là ở lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Theo TS Phương, có những trường hợp bị nặng đến mức phải điều trị dài ngày, thậm chí còn có hành vi phản kháng (đánh lại) cả bố mẹ khi bị ngăn cấm dùng facebook.
Điển hình như trường hợp phản kháng quá mức, bố mẹ phải cưỡng chế bằng cách đánh thuốc mê, sau đó cho vào viện điều trị. Khi nhập viện, bệnh nhân không hợp tác trong điều trị, khiến gia đình và bác sĩ gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, việc nghiện điện thoại nói chung và facebook nói riêng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, công việc và học tập.
TS Phương cho rằng, việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng lo lắng, bất an gia tăng, bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống… lâu dần sẽ sinh ra bệnh.
Thực tế, đã trường hợp còn rơi vào trạng thái khủng hoảng, trầm cảm khi thế giới ảo được phơi bày, không giống như những gì mình tưởng tượng. Hoặc khi bị ngăn cấm không cho sử dụng facebook, ví dụ như việc bố mẹ tịch thu điện thoại, cắt mạng internet…
Do vậy, TS Phương cho rằng, gia đình và nhà trường là yếu tố quan trọng nhất trong việc quản lý những đứa trẻ đang độ tuổi đến trường, để tránh tình trạng bị nghiện hay lệ thuộc và facebook.
Hơn nữa, cần phải chú ý đến các biểu hiện của trẻ để phát hiện khi nào con mình đang bị nghiện và có dấu hiệu mắc bệnh. Theo TS Phương, khi có các biểu hiện dưới đây, thì cần phải có sự can thiệp kịp thời:
– Đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng facebook nhưng không thành công. Cảm thấy có sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều
– Bạn, con em bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng facebook.
– Sử dụng facebook rất nhiều, đến nỗi làm tác động tiêu cực đến công việc, học tập.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị chứng nghiện facebook. Nếu nhận thấy mình có nguy cơ, bác sĩ cảnh báo nên dừng sử dụng facebook, có thể cần sự can thiệp về tâm lý. Tâm lý cũng được xem là liệu pháp nhận thức giúp người bệnh tự ý thức được vấn đề của mình.
Có nhiều trường hợp nghiện điện thoại, facebook nhập viện trong tình trạng rất nặng phải điều trị dài ngày, nguyên nhân do gia đình phát hiện và đưa…
Theo Lê Phương (Khám phá)
Nguồn VOV