Khi cảm thấy căng thẳng, cần giải tỏa, những người này thường lặp lại hành động vô thức là cắn móng tay, bặm môi đến bật máu hoặc thậm chí rạch dao lam vào tay.
Cách đây vài ngày, ca sĩ Hương Tràm đăng ảnh đôi bàn tay bị bóc da tay đến chảy máu kèm dòng status: “Làm sao để ngưng việc này lại hả Tràm?”.
Ca sĩ Hương Tràm, Hương Giang “Idol” tự hành xác
Đại diện của Hương Tràm cho biết thời gian gần đây cô liên tục bị căng thẳng, mất ngủ. Mỗi lần như vậy Tràm đều tự bóc tay mình đến rỉ máu. Điều đáng nói là Hương Tràm ý thức được việc này có hại nhưng không biết làm cách nào để ngừng lại.
Tương tự Hương Tràm, với ký ức tuổi thơ chịu nhiều bức bối, đối diện với sự phát triển tâm lý khác với những bé trai cùng tuổi, ca sĩ chuyển giới nữ Hương Giang “Idol” từng ra mắt sách kể về sở thích tự hành xác bản thân lúc nhỏ của mình như lấy dao lam cắt tay để máu chảy loang ra thau nước.
Móng tay lúc nào cũng cụt lủn, lộ da bên trong và đôi môi nhiều vết sẹo là đặc trưng của chị NTTH (25 tuổi), hiện đang làm nhân viên cho một công ty tại TP.HCM. Chị H. lý giải mỗi lần căng thẳng, chị thường bặm môi đến chảy máu hoặc xé môi, cắn, bóc móng tay. Khi cảm thấy tay và môi đau thì chị mới bình tĩnh và đỡ lo sợ.
Chị H. kể mới đây, chị đưa áo trắng cho ông ngoại thì ông hỏi sao chị lại đưa cái gì màu đen cho ông. Nhìn vào mắt ông, chị thấy ông bị chảy máu đáy mắt. Lúc đó, chị cảm thấy rất lo sợ rằng ông bị mù mà không thể khóc nên chị bắt đầu cắn môi mình thật mạnh đến bật máu mới bình tĩnh trở lại. Một lần khác, chị cũng lặp lại hành động tương tự khi không nhớ nổi số điện thoại của chính mình, không biết mình là ai lúc nhận kết quả sức khỏe bất thường. Chị H. cũng chia sẻ thời điểm chị cắn môi nhiều nhất là vào lúc ôn thi đại học vì lo sợ bị rớt.
“Mỗi khi tự làm đau mình, tôi cảm thấy bình tĩnh trở lại do chuyển sự tập trung sang cơn đau. Nhiều lần làm thế thấy hiệu nghiệm nên tôi cứ hay lặp lại mà không bỏ được” – chị H. chia sẻ.
Chị H. thừa nhận chị cũng thuộc tuýp người hay lo lắng, hay đau đầu, tay chân lạnh toát. Mỗi khi trước 8 giờ sáng hay lúc chuẩn bị đi ngủ, nếu có cuộc gọi điện thoại đến, chị đều cảm thấy tim đập thình thịch, hồi hộp, sợ có chuyện chẳng lành. Người nhà biết tính chị H. nên thường hạn chế gọi vào những giờ này. Chị H. kể có lẽ căn nguyên do lúc nhỏ chị có hai lần chứng kiến cha mẹ nhận cuộc gọi điện thoại báo người thân mất giữa đêm nên chị bị ám ảnh đến giờ.
Bàn tay Hương Tràm bị chính cô bóc hết da để giải tỏa căng thẳng. Chị H. thường lặp lại hành vi cắn môi bật máu mỗi khi căng thẳng. Ảnh: HL
Cũng là một dạng tâm thần
Theo BS CK2 Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh và trị liệu tâm lý, giám định viên pháp y tâm thần, những người hay tự làm đau bản thân như cắn môi, cắn móng tay bật máu mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân, thường rơi vào những người có thần kinh yếu, hướng nội, không dễ vượt qua được căng thẳng. Ngoài ra, cũng có những người từng gặp những sang chấn, ám ảnh tâm lý như bị đuổi việc, bị người yêu bỏ, mất tiền, người thân mất hoặc sau sự việc gây ấn tượng khắc sâu trong tiềm thức…
Những người này thường thực hiện hành vi giấu giếm, không muốn cho người khác biết sự yếu đuối của mình như sẽ trốn vào một góc, vào nhà tắm hay nhà vệ sinh.
Có những người mắc hội chứng từ tâm lý thể hiện cụ thể ra bệnh lý như tim đập nhanh, hồi hộp, mất ngủ, đau đầu… thì phải được đưa đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Khi đó, họ được xác định giai đoạn cần điều trị, được dùng thuốc hoặc tư vấn tâm lý nhằm giải tỏa lo âu, chống stress, hồi phục thể trạng.
Những người mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân thường đi kèm hội chứng rối loạn lo âu như tim đập nhanh, hồi hộp, bồn chồn đứng ngồi không yên, ảnh hưởng dạ dày, đau vai gáy, run tay run chân, nhức đầu… Tuy nhiên, hội chứng này chưa đến mức trầm cảm, muốn làm đau đến mức chết đi mà mục đích chính là chuyển nỗi đau về mặt tâm lý thành nỗi đau thể xác. Lâu ngày mong muốn đó sẽ trở thành hành vi có thực một cách vô thức và có những cơn xung động hủy hoại làm đau thể xác không cưỡng lại được, chỉ có thực hiện hành vi đó họ mới bình tĩnh lại được.
Người mắc phải hội chứng trên nếu không được giải tỏa tâm lý, lâu ngày sẽ đưa đến trầm cảm thực sự, biểu hiện với mức độ nặng hơn là nghe có tiếng nói trong tai, lên kế hoạch tự sát như cắt gân tay chân, ra đường cho xe tông.
BS Khuyên kể từng tiếp nhận các trường hợp rơi vào hội chứng này đến điều trị tâm lý. Có người nam thường hay bị sếp la vì hoàn thành công việc không tốt, mỗi lần ức chế như vậy, anh thường vào phòng đóng cửa lại và đấm tay vào tường. Khi tay xây xát chảy máu anh mới cảm thấy được giải tỏa và bình tĩnh trở lại. Một trường hợp khác, cậu học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3 thi đại học rớt nên ở nhà, được ba mẹ đưa đến trị liệu vì không hiểu vì sao dạo gần đây con không muốn nói chuyện với ai, hay cáu gắt, lầm lì, ăn cơm xong lên lầu đóng cửa lại, ba mẹ hỏi trả lời cụt lủn.
Khi chỉ còn mình cậu học sinh ngồi trong phòng với bác sĩ, cậu mới chịu vén tay áo để lộ những vết dao lam mới lẫn cũ từ vùng khuỷu tay đến cẳng tay. Cậu cho biết từ khi rớt đại học thì hay bị ba mẹ la mắng, cảm thấy bản thân mình vô dụng, bất tài nên không muốn tiếp xúc mọi người. Mỗi lần lấy dao lam rạch tay máu chảy ra, cậu thấy nhẹ nhõm hơn.
Cách cứu chữa hiệu quả
Người mắc hội chứng hủy hoại bản thân nên tìm người chia sẻ, nâng đỡ tâm lý để giải tỏa những chuyện bị ức chế. Nếu người hay bị thất bại, cảm thấy bản thân vô dụng thì nên thực hành những việc nhỏ, ngắn hạn để dần lấy lại tự tin, không nghĩ nhiều đến sang chấn. Ngoài ra, nên đi du lịch, hoạt động xã hội, tập thể dục để không nghĩ nhiều đến những căng thẳng trong cuộc sống.
BS TRẦN MINH KHUYÊN
|
Hội chứng tự hủy hoại bản thân không chỉ có Hương Tràm mắc phải mà rất nhiều bạn trẻ cũng thường mắc hội chứng này, nguyên nhân là do căng thẳng, áp…
Theo Hoàng Lan (Pháp luật TP HCM)
Nguồn VOV